HÓA TRỊ CHỮA UNG THƯ
Điều trị hóa chất là 1 trong những phương pháp điều trị ung thư phổ biến. Hóa trị chữa ung thư là gì, vai trò như thế nào, khi nào cần thực hiện…Tất cả những thông tin cần thiết sẽ được giải đáp trong bài viết sau.
1. Hóa trị chữa ung thư là gì?
Hóa trị là 1 trong những phương pháp trị ung thư bên cạnh phẫu thuật, xạ trị, phương pháp nhắm trúng đích… Phương pháp này sử dụng thuốc đưa vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư, làm hạn chế sự phát triển của chúng. Còn được biết đến là phương pháp trị ung thư toàn thân.
Tùy mục đích sử dụng, hóa trị được phân loại thành các loại nhỏ như:
Hóa trị bổ trợ: Là hóa trị sử dụng sau khi thực hiện phẫu thuật, nhằm tiêu diệt nốt các tế bào ác tính còn sót lại hoặc đã di căn ra các bộ phận khác mà các biện pháp chẩn đoán không tìm thấy.
Hóa trị tân bổ trợ: Đây là việc sử dụng hóa trị trước khi thực hiện phẫu thuật. Việc này được thực hiện nhằm thu nhỏ kích thước khối u giúp cho việc phẫu thuật diễn ra thuận lợi.
Hóa trị với mục đích củng cố: Giúp bệnh nhân duy trì mức độ ổn định của bệnh sau 1 đợt điều trị.
Hóa trị duy trì: Mục đích là để kéo dài thời gian cho người bệnh.
Hóa trị triệu chứng: Nhằm làm giảm các triệu chứng cho người bệnh, phương pháp này được áp dụng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn.
2. Hóa trị được sử dụng theo đường nào?
Thông thông thường thuốc hóa trị sẽ được đưa vào cơ thể theo 2 đường chính là đường uống và đường tiêm truyền.
Với các thuốc sử dụng theo đường uống người bệnh sẽ uống trực tiếp theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc sử dụng theo đường tiêm sẽ được đưa vào thông qua việc tiêm truyền. Có 3 dạng đó là truyền tĩnh mạch, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.
Tùy theo bệnh ung thư cụ thể, thể trạng bệnh nhân, giai đoạn… bác sĩ sẽ đưa ra loại thuốc hóa trị phù hợp nhất.
3. Thời gian thực hiện hóa trị bao lâu?
Thông thường hóa trị chữa ung thư sẽ chia làm từng đợt. Giữa các đợt hóa trị người bệnh sẽ có thời gian nghỉ nhất định. Thời gian của mỗi đợt kéo dài bao lâu tùy thuộc vào phác đồ của bác sĩ dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh. Thời gian nghỉ giữa các đợt hóa trị nhằm giúp cơ thể người bệnh có thời gian hồi phục. Tuy nhiên cần tính toán hợp lý để vẫn đảm bảo hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư. Số đợt điều trị ung thư cũng sẽ được bác sĩ chỉ định theo từng người bệnh.
Yếu tố quyết định đến thời gian của các đợt hóa trị, số lượng đợt vào hóa chất phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân, giai đoạn bệnh, kích thước khối u, loại thuốc sử dụng và mục đích thực hiện hóa trị…
4. Tác dụng phụ của hóa trị chữa ung thư và cách khắc phục
Hóa trị được biết đến là giải pháp điều trị toàn thân, do đó bên cạnh việc tiêu diệt các tế bào ung thư, thuốc cũng ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh. Do đó hóa trị ung thư có thể gây ra 1 số tác dụng phụ. Tùy loại thuốc sử dụng, tùy thể trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà biểu hiện của các tác dụng phụ nhiều hay ít, nhẹ hay trầm trọng khác nhau:
4.1 Giảm hồng cầu, tiểu cầu bạch cầu
Đây là tác dụng phụ khá nghiêm trọng. Lý do là thuốc hóa trị tác dụng vào các tế bào có tốc độ phân chia nhanh. Do đó các tế bào hồng cầu bạch cầu, tiểu cầu cũng dễ bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể bị thiếu máu, dễ bị bầm tím, dễ bị nhiễm trùng do giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
4. 2 Rụng tóc do hóa trị chữa ung thư
Tương tự như trên, thuốc hóa trị cũng tác dụng vào các tế bào có tốc độ phân chia nhanh trong đó có da, móng tóc nên gây ra tình trạng rụng tóc, sạm da…
4. 3 Chán ăn, buồn nôn, nôn
Khi thực hiện hóa trị ung thư người bệnh cũng dễ gặp phải tình trạng chán ăn do cơ thể mệt mỏi, buồn nôn, nôn. Cách khắc phục là nên chia nhỏ các bữa ăn, ăn các thức ăn nhẹ nhàng, tránh dầu mỡ, bổ sung hoa quả tươi…
4. 4 Loét niêm mạc miệng
Một số người bị viêm, loét niêm mạc miệng khi hóa trị. Cách khắc phục và vệ sinh miệng sạch sẽ, đúng cách, tránh sử dụng nước súc miệng có cồn. Uống đủ nước, giữ cho miệng ẩm bằng cách nhấp từng ngụm nhỏ nước ấm. Chọn thức ăn mềm, lỏng… để tránh tổn thương niêm mạc…
4. 5 Tiêu chảy
Trong quá trình hóa trị người bệnh có thể gặp phải tình trạng tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Do vậy nên ăn những thức ăn lành tính, ít dầu mỡ… để tránh gánh nặng cho hệ tiêu hóa trong quá trình hóa trị.
Thông thường các tác dụng phụ do hóa trị sẽ hết dần sau 1 thời gian dừng thuốc. Do vậy không nên lo lắng hoặc hoang mang quá mức. Tuy nhiên nếu các tác dụng phụ quá trầm trọng thì bạn nên thông báo cho bác sĩ để có phương pháp khắc phục. Trong 1 số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định đổi thuốc khác phù hợp hơn hoặc có 1 số biện pháp giúp giảm nhẹ tác dụng phụ.
5. Chăm sóc người bệnh ung thư trong thời gian thực hiện hóa trị
Khi chăm sóc người bệnh ung thư trong quá trình hóa trị, bạn nên lưu ý 1 số vấn đề như sau:
Quan tâm động viên về mặt tinh thần: Khi hóa trị ung thư, người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi do đó hãy thường xuyên hỗ trợ, quan tâm và động viên để họ cảm thấy yên tâm và có động lực chiến đấu với bệnh tật.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh: Khi hóa trị chữa ung thư, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn kèm theo có thể viêm loét niêm mạc miệng. Do đó nên chú ý đa dạng thực đơn giúp tăng cảm giác ngon miệng và đảm bảo đủ dinh dưỡng. Chú ý thức ăn nên lỏng, mềm,dễ tiêu hóa, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Giữ vệ sinh sạch sẽ tránh nhiễm khuẩn. Do hóa trị ảnh hưởng tới bạch cầu nên có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Vì vậy cần chú ý giữ môi trường xung quanh thông thoáng, giữ vệ sinh sạch sẽ.
Trên đây là những thông tin về hóa trị chữa ung thư. Hóa trị là 1 trong những phương pháp quan trọng trong việc điều trị các bệnh ung thư. Vì vậy người bệnh nên kiên tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để có được hiệu quả tốt nhất. Nếu gặp phải các tác dụng phụ, hãy thông báo cho bác sĩ để được hỗ trợ.